Bấm để nghe audio thuyết minh
Ngôi trường do Hebrard de Villeneuf đồ họa thiết kế năm 1925, hoàn tất vào đầu năm 1928. Nổi tiếng với truyền thống dạy và học, ngôi trường là nơi quần tụ và cống hiến cho đời những tấm gương xuất sắc trên nhiều lĩnh vực
Thông tin cơ bản
Địa chỉ | 235 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, Hồ Chí Minh |
Giờ mở cửa | Hoạt động cả ngày |
Cấp | Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố năm 2015 |
Giới thiệu di tích
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố năm 2015 theo Quyết định số 3089/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2015.
Xưa Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, được thiết kế bởi Hebrard de Villeneuve vào năm 1925 và xây dựng hoàn thành vào đầu năm 1928. Ngày 28 tháng 11 năm 1927, Toàn quyền Đông Dương thành lập một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat tại Chợ Quán, gọi là Collège de Cochinchine cho học sinh bản xứ. Đến ngày 11 tháng 8 năm 1928, Nghị định số 3116 thành lập Trường Cao đẳng Tiểu học Pháp bản xứ tại đây, sau đó chuyển thành Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trường được chọn làm nơi làm việc của Ủy ban Quân quản Thành phố và đổi tên thành Trường Phổ thông Trung học Lê Hồng Phong. Năm 1990, trường trở thành Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và từ 1995, trở thành Trung tâm giáo dục chất lượng cao miền Nam.
1. Về nhân vật Trương Vĩnh Ký (Pétrus Trương Vĩnh Ký) (1837-1898).
Ông là tự Sĩ Tài, quê Cái Mơn, Bến Tre, là một học giả nổi tiếng theo đạo Thiên Chúa. Ông thông thạo nhiều ngôn ngữ, học chữ Hán, Quốc ngữ và La-tinh từ khi còn nhỏ. Sau khi được cấp học bổng, ông học tại trường đạo Pénang (1851-1858), thông thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và Đông.
Trương Vĩnh Ký là hội viên của các hội khoa học lớn như Hội nhân chủng và khoa học miền Tây nước Pháp. Ông được công nhận là một trong “18 nhà bác học trên thế giới” vào thời điểm đó. Năm 1863, ông làm thông dịch viên cho phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp.
Năm 1868, ông trở thành chủ bút của Gia Định báo và An Nam Chính trị và Xã hội. Ông xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng như Kim Vân Kiều truyện (1875), Sử Ký An Nam (1875), và Pháp – Việt tự điển (1884). Năm 1881, ông ra mắt cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ.
Ngoài ra, Trương Vĩnh Ký cũng cộng tác với Paul Bert và từng dạy tiếng Pháp cho vua Đồng Khánh. Cuối đời, ông rút lui khỏi chính trường, sống cuộc đời giản dị, chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học và ngôn ngữ học.
2. Về Anh hùng Liệt sĩ Lê Hồng Phong (1902 -1942).
Lê Hồng Phong (1902-1942), tên thật Lê Huy Doãn, là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông quê tại thôn Đông Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Năm 1924, ông gia nhập Tâm Tâm Xã và trở thành học trò xuất sắc của Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh). Sau đó, ông học tại trường võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc) và Đại học Stalin (Liên Xô).
Năm 1935, ông được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ nhất. Sau đó, ông tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản tại Thượng Hải và Mátxcơva. Ông kết hôn với Nguyễn Thị Minh Khai.
Ông về nước năm 1937, hoạt động tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1938, ông bị bắt và kết án 10 tháng tù, sau đó quản thúc ở quê. Năm 1940, ông bị bắt lần hai, bị đày ra Côn Đảo, nơi ông bị tra tấn dã man và qua đời ngày 6-9-1942.
Câu nói cuối cùng của ông: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tôi giờ phút cuối cùng vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng.”
Như vậy, tính đến nay, gần 100 năm phát triển, Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong không những bảo tồn những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan đô thị, mà còn lưu giữ phát huy truyền thống dạy và học, truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng.
Kiến trúc ngôi trường là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống với yếu tố mới từ Tây Âu, trong đó chú trọng hơn cả về công năng sử dụng. Điển hình là các nguyên tắc về sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên trên tổng thể bố cục mặt bằng. Các dãy tầng lầu với lối kiến trúc cổ kính theo kiểu Pháp, cửa vòm, mái ngói đỏ. Hành lang rộng, dài hết chiều ngang sân trường, nối liền giữa hai dãy nhà chính được xây dựng theo kiến trúc Đông Dương, hệ thống tường cột khá rõ ràng. Đầu dãy các khối phòng học là khối điều hành, tổ chức, quản trị, phòng Truyền thống của nhà trường. Bên trong phòng truyền thống đặt tượng ông Trương Vĩnh Ký (chất liệu đồng), cùng các hình ảnh, tài liệu, hiện vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của ngôi trường.
Khoảng sân trường thích hợp cho việc tổ chức các nghỉ lễ của nhà trường và vui chơi của học sinh. Ngay vị trí chính giữa sân trường đặt tượng Chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Phong.
Học sinh trường từng tham gia nhiều phong trào đấu tranh yêu nước, tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 9-1-1950 chống thực dân Pháp. Giai đoạn 1963-1965, phong trào đấu tranh học sinh tiếp tục mạnh mẽ, phản đối chế độ Ngô Đình Diệm. Trường cũng là nơi đào tạo nhiều nhân tài như Trần Văn Ơn, GS. Trần Đại Nghĩa, KTS. Huỳnh Tấn Phát..
Tính từ sau năm 1975, Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong đã đóng góp cho thành phố và đất nước trên 15.000 tú tài, hơn 7.000 em thi đỗ vào đại học, hơn 300 học sinh du học có học bổng ở các Đại học nước ngoài, tỉ lệ học sinh của trường tốt nghiệp tú tài xấp xỉ 100%, trên 90% thí sinh trúng tuyển đại học.
Đây cũng là nơi khai sinh ra cuộc thi Olympic truyền thống 30/4 hằng năm (bắt đầu từ năm 1995), dành cho học sinh khối 10 và 11 của các trường THPT chuyên phía Nam.
Với những đóng góp quan trọng, trường đã được Thành phố, Thủ tướng Chính phủ và Nhà nước khen thưởng, tặng thưởng nhiều phần thưởng, Bằng khen, Huân chương cao quý.