Bấm để nghe audio thuyết minh
Đây là nơi đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) bị thực dân Pháp giam giữ và đã trút hơi thở cuối cùng vào năm 1931.
Thông tin cơ bản
Địa chỉ | 764 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Hồ Chí Minh |
Giờ mở cửa | 08:00 – 16:00h mỗi ngày |
Cấp | Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1988 |
Giới thiệu di tích
Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1988 theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.
Bệnh viện Chợ Quán mới đầu bệnh viện chỉ là một dãy nhà nhỏ. Năm 1879, Pháp có chủ trương xây dựng thành bệnh viện bản xứ đầu tiên của Nam Kỳ. Đến năm 1945, diện tích toàn bệnh viện là 54.460m được chia làm nhiều khu, trong đó có một khu trại giam. Khu này lúc mới được xây dựng không phải để làm trại giam, mà để đáp ứng nhu cầu của bệnh viện dùng nhốt những bệnh nhân tâm thần.
Khu trại giam là một dãy nhà trệt. Từ cổng bệnh viện đi vào nó nằm ở phía bên phải, gần như biệt lập với các khu khác. Toàn khu trại giam xây như hình chữ U. Bên trong chia làm hai phòng lớn và bốn phòng nhỏ (biệt giam) với những chấn song sắt to cỡ 30 – 40mm.
Trong phòng tối tăm, ẩm ướt, sàn xi măng lạnh ngắt. Mỗi phòng có một ô vuông con (10cm x 14cm) ở cửa để lính gác có thể theo dõi mọi hoạt động của người bị giam. Phòng lớn là phòng tập thể, sau này có xây bục xi măng, trên mỗi bục có những khoen sắt để móc vào những thanh dài cùm chân tù nhân thành một hàng.
Khu trại giam trong bệnh viện Chợ Quán thực tế là một nhà tù thu nhỏ. Tuy tù nhân khi được đưa vào đây đều đã lâm bệnh nặng, nhưng chế độ giam giữ vẫn khắc nghiệt và hết sức tàn tệ. Thời Pháp, bệnh nhân nằm trên sàn gỗ, thời Mỹ – Nguỵ bệnh nhân nằm trên bục xi măng, chân tay vẫn bị cùm xích (Ngày nay trong khu trại giam này vẫn còn lưu giữ lại một đoạn cùm chân).
Khu trại giam này ngày nay đã trở thành di tích lịch sử sống động, suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đã từng giam giữ biết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng và nói lên ý chí kiên cường, bất khuất cửa các chiến sĩ cách mạng. Tiêu biểu là đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam – cũng đã bị giặc giam giữ và hy sinh tại đây.
Những ngày đồng chí Trần Phú bị giam ở đây tuy ngắn ngủi nhưng đó là những thời điểm sáng chói trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Đồng chí Trần Phú bị địch bắt ngày 19/4/1931 tại trụ sở của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở số 66 đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng). Biết đồng chí là người lãnh đạo cao nhất của phong trào cách mạng Việt Nam, thực dân Pháp đem đồng chí giam vào khám lớn Sài Gòn để chờ ngày xử án. Bị tra tấn dã man, sức khỏe đồng chí ngày càng suy yếu, ngày 26/8/1931, địch đưa đồng chí đến nhà thương Chợ Quán để điều trị bệnh. Tại khu trại giam trong bệnh viện Chợ Quán, đồng chí Trần Phú vẫn mang số tù 518431.
Ngày đầu, đồng chí Trần Phú bị giam trong phòng giam tập thể, rộng khoảng 35m, có thể giam khoảng 20 người. Cùng phòng, có ông Nguyễn Văn Nhung (sau giải phóng làm cố vấn cho Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Cứu Long), Châu Văn Sanh, Hương Quản Bổ… Những người này đã tận tình chăm sóc đồng chí Trần Phú. Tuy bệnh tình rất nặng, nhưng đồng chí vẫn giữ vững tinh thần và luôn động viên những người khác.
Đến 5 giờ chiều ngày 6 tháng 9 năm 1931, theo đề nghị của anh em trong trại giam, y tá cho khiêng đồng chí Trần Phú qua phòng giam cách ly cá nhân vì không có cáng nên bốn người phải khiêng đồng chí bằng tay. Chưa đến phòng giam cá nhân thì đồng chí Trần Phú đã tắt thở, thi hài đồng chí được đặt ở phòng cá nhân. Các đồng chí, đồng đội trong tù đã làm lễ truy điệu đồng chí ở phòng này. Toàn thể tù chính trị đã đứng dọc hành lang trại giam để tiễn đưa người Tổng Bí thư của Đảng.
Những ngày bị giam trong bệnh viện Chợ Quán thật ngắn ngủi, nhưng đồng chí Trần Phú đã để lại tấm gương cao đẹp của người cộng sản suốt đời chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và đất nước. Theo gương đồng chí Trần Phú, có biết bao đảng viên cộng sản đã đứng vững trên vị trí chiến đấu của mình trên khắp các nhà tù của chế độ thực dân đế quốc.
Ngày nay, trong khu trại giam này vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm xiềng xích dưới chế độ thực dân đế quốc. Tại đây, ta cũng thấy những dấu tích về cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng: trên tường khu trại giam còn rõ nét những khẩu hiệu đấu tranh bằng máu của tù nhân.
Mới đây, Quận 5 đã trùng tu di tích khu trại giam bệnh viện Chợ Quán và xem đây là một trong những nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Quận 5.