Bấm để nghe audio thuyết minh
Được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVII, Vị thần thờ chính là Ông Bồn tức Phúc Đức Chính Thần. Hai ngày lễ tế chính là ngày sinh và ngày mất của Ông Bổn vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Tám.
Thông tin cơ bản
Địa chỉ | 264 Hải Thượng Lãn Ông, Phường 14, Quận 5, Hồ Chí Minh |
Giờ mở cửa | 08:00 – 16:00h mỗi ngày |
Cấp | Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1998 |
Giới thiệu di tích
Hội Quán Nhị Phủ (còn gọi là Miếu Nhị Phủ hay Chùa Ông Bổn) hiện tọa lạc tại số 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, Phường 14, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1998.
Hội quán được xây dựng ở một vị trí đắc địa bên bờ con rạch Chợ Lớn sau được lắp đi và đặt tên là đường Khổng Tử, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông. Cách hội quán không xa là con kênh Phố Xếp sau trở thành đường Tổng Đốc Phương và nay là đường Châu Văn Liêm. Gần đó là chợ trung tâm nay là khu vực Bưu điện Chợ Lớn.
Từ cuối thế kỷ 18, di dân hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu, ngoài việc xây dựng riêng Hội quán Ôn Lăng và Hội quán Hà Chương, đã cùng nhau xây dựng một ngôi miếu thờ Bổn Đầu Công và đặt tên là miếu Nhị Phủ, thường được gọi là chùa Ông Bổn.
Năm 1871, khi chính quyền thuộc địa điều chỉnh các bang trước đây thành năm bang thì miếu Nhị Phủ trở thành Hội quán Nhị Phủ của nhóm Phúc Kiến.
Khuôn viên hội quán rộng hơn 2.500 m2, phần sân chiếm hơn 1/3 diện tích với cổng tam quan mới được làm vào năm 1990. Bên phải Hội quán là trường trung học cơ sở Trần Bội Cơ, nguyên là trường trung học Phúc Kiến do Hội quán Nhị Phú xây dựng.
Miếu Nhị Phủ là công trình không chỉ có giá trị cao về tín ngưỡng, mà còn có giá trị nghiên cứu kiến trúc và mĩ thuật. Hệ thống kiến trúc và những nét chạm trổ tinh xảo đã góp phần làm cho ngôi miếu trở nên độc đáo, nổi bật. Hoa văn trang trí thể hiện nhiều chủ đề khác nhau, chung quy lại nhằm biểu đạt tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với các vị thần, nhằm mong được phù hộ. Qua đó, thể hiện đời sống tâm linh và văn hóa người Hoa Phúc Kiến.
Tổng thể kiến trúc miếu Nhị Phủ khá đơn giản nhưng thể hiện đặc sắc, tinh tế, khẳng định trình độ nghệ thuật đỉnh cao. Miếu xây dựng theo hệ thống kết cấu đặc trưng của Trung Quốc, với hình thức “chồng rường đấu củng” làm mái miếu hơi cong tựa như chiếc thuyền rồng. Tuy vậy, mái miếu có độ dốc không lớn là đặc trưng của miếu người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh. Các “con sơn” được tạo thành hình uốn lượn đẹp mắt. Đầu thanh xà gồ và các thanh ngang, con đấu,… cũng chạm khắc tinh xảo.
Hai bên tam cấp dẫn vào hội quán có cặp tượng kỳ lân bằng đá được làm vào năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Tự tức năm 1878. Tượng “tân hí cầu” đặt bên trái. Bên phải là tượng “lân giáo tử” tạc hình con lân mẹ dùng chân trước ôm ngang lưng con lân con, lân con ngữa đầu áp bụng vào ngực mẹ. Nét chạm linh hoạt, ngộ nghĩnh.
Vách mặt tiền hội quán được ghép bằng các phiến đá, đắp nổi các phù điêu hình rồng, hổ, thần tiên… Hai bên ngưỡng cửa đặt hai thạch cầu (quả cầu bằng đá). Bệ đá đỡ thạch cầu chạm nổi hoa lá, bầu rượu, túi thơ… Bên trên cửa chạm bốn chữ Hán đại tự “Hội quán Nhị Phủ”.
Ngoài cửa chính còn có hai cửa phụ được thiết kế đối diện nhau hai bên cửa chính. Trên hai cánh cửa gỗ mở vào tiền điện là tranh vẽ hai vị Thần Môn (Thần giữ cửa).
Nội thất Hội quán Nhị Phủ thật uy nghiêm với những hàng cột cao, có cột cao 7 mét, mỗi cột đều có treo một hoặc hai tấm liễn đối, nhiều tấm được làm cong theo thân cột, hầu hết đều chạm nổi các chữ Hán trên nền hoa văn được chạm nổi trên mặt gỗ. Có tất cả 14 cặp liễn đối có niên đại từ năm 1895 đến năm 1901 và 28 bức hoành phi có niên đại từ năm 1864 đến năm 1901. Ngoài giá trị thư pháp các bức hoành, liễn này còn là những tác phẩm chạm khắc gỗ đặc sắc, thể hiện nghệ thuật chạm khắc gỗ vùng Gia Định vào cuối thế kỷ XIX.
Tiếp sau tiền điện là sân thiên tỉnh. Từ thiên tỉnh băng ngang hành lang bên trái thì vào gian thờ Kim Hoa Nương Nương, nữ thần phù hộ việc mang thai, sinh con đẻ cái. Tượng bà được làm bằng thạch cao, thể hiện một phụ nữ nhân hậu, mặc áo choàng đỏ, tay cầm bút. Phía trên án thờ, được chạm trổ phù điêu ở mặt trước, treo tấm hoành phi “Phổ tế chúng sinh” (Phù hộ cho chúng sinh) được làm vào năm 1991.
Bên phải gian thờ Chúa Sinh Nương Nương còn có gian thờ Tề Thiên Đại Thánh, nhân vật trong truyện Tây du ký.
Đối diện gian thờ Chúa Sinh Nương Nương, ở phía bên phải thiên tỉnh là gian thờ Quan Thánh Đế Quân tức Quan Công, Quan Vũ uy dũng ngồi trên ngựa Xích Thố, chầu hai bên là Quan Bình và Châu Xương.
Qua hết thiên tỉnh là vào chính điện, phần trang trọng nhất của hội quán. Trước thềm chính điện đặt một đỉnh hương lớn. Ngay dưới đầu mái chính điện treo bức hoành phi “Thần lâm phúc địa” (Thần tới đất phúc) và ba bức bao lam cửa võng chạm lộng tùng – hạc, dây hoa…
Gian giữa chính điện bày một hương án, mặt trước có phù điêu “Lục quốc phong tướng”. Ngang với hương án này, sát tường bên trái đặt một đại hổng chung, đối xứng với giá trống đặt sát tường bên phải chính điện. Phần cuối chính điện bài trí ba gian thờ có trang trí bao lam chạm lộng đề tài mẫu đơn – trĩ, được làm vào năm 1895.
Gian thờ Bổn Đầu Công chiếm vị trí trung tâm với một án thờ lớn bên trên bày bộ lư hương và hai độc bình, mặt trước án thờ trang trí phù điêu trích đoạn điển tích Trung Hoa. Cao phía trên là bức hoành phi “Ngô thổ địa dã” (Đất này của ta) được làm vào năm 1864. Ngăn cách hương án này với khám thờ Bổn Đầu Công là hai bức bình phong gắn sát hai thân cột giữa chính điện. Bình phong cao gần bằng chiều cao của thân cột, được chạm lộng mai điểu, hoa bướm…
Khám thờ ông Bổn cao hơn ba mét, chiều ngang khoảng hai mét. Phần trên khám thờ chạm lưỡng long tranh châu, hai bên mặt trước, mỗi bên có năm lớp bao lam đối xứng nhau, chạm trổ tùng – hạc, mai – điểu, ngô đồng – phượng… xen kẻ hoa văn đồng tiền, hoa văn chữ “thọ”. Phía dưới khám thờ có ba phù điêu chạm bong được bảo quản trong hộp kính. Phù điêu ở giữa là những con vật miền sông nước như tôm, cua, cò đang mổ cá… được chạm khắc tinh xảo, sống động. Phù điêu hai bên mô tả tích truyện của Trung Hoa. Các trang trí quanh khám thờ đều được sơn kim nhũ tạo vẻ lộng lẫy, tráng lệ. Tượng Châu Đạt Quan bằng gỗ, thể hiện một ông lão nét mặt khoan hòa với chòm râu bạc trắng, đầu đội mão, ngồi trên ngai, phía trước có hai đồng tử đứng hầu.
Gian bên trái thờ Quảng Trạch Tôn Vương, được bài trí đơn giản. Khám thờ cao khoảng gần 2 mét, chiều ngang khoảng 1,5 mét, chạm hình lưỡng long triều nhật, tùng – lộc, dây hoa… Quảng Trạch Tôn Vương hay Ông hoàng Phò mã Phổ Quang vốn là một người Phúc Kiến. Theo truyền thuyết ông có phép lạ cứu giúp những người Phúc Kiến trên đường di dân và phù hộ họ làm ăn phát đạt. Tượng Quảng Trạch Tôn Vương bằng gỗ, tạc một người trẻ tuổi ngồi trên ngai. Trước tượng Quảng Trạch Tôn Vương là tượng Phật Dược Sư.
Gian thờ Thái Tuế Gia Gia ở bên phải với khám thờ và hương án được trang trí giống gian thờ Quảng Trạch Tôn Vương. Thái Tuế Gia Gia là vị thần chi phối năm tháng, tuổi tác đời người. Mỗi năm Thái Tuế sẽ chọn một vị thần tương ứng với con giáp năm đó để ngự trị, ban phát tuổi tác, sức khỏe cho mọi người. Tượng thờ Thái Tuế Gia Gia tạo hình một ông lão râu tóc bạc phơ, ngồi trước một tượng hổ, bên cạnh có tượng Tử Vi (vị thần chuyên diệt tà trừ yêu) ngồi trên ngựa, tay cầm bùa bát quái, một tay vung gươm.
Phần hậu điện cách các điện thờ phía trước bởi một sân thiên tỉnh khá rộng có hồ cá và nhiều cây cảnh. Hậu điện được xây trên nền cao khoảng một mét. Phía trước có ba lư hương lớn. Ở đây có ba gian thờ được trang trí bao lam chạm lộng và diềm che.
Khám thờ Ngọc Hoàng Đại Đế; Gian thờ Thích Ca Phật Tổ ở bên trái với tượng Phật ngồi trên tòa sen; Khám thờ Quan Âm Bồ Tát, đặt ở bên phải với tượng Quan Âm ngồi trên tòa sen.
Hàng năm, theo âm lịch, Hội quán Nhị Phủ có nhiều ngày cúng tế thu hút đông đảo bá tánh đến chiêm bái. Hai ngày tế lễ chính là ngày sinh và ngày mất của Ông Bổn vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Tám.
Ngoài ý nghĩa là nơi duy nhất thờ Bổn Đầu Công trong khu vực, là một công trình kiến trúc đặc sắc với nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo, Hội quán Nhị Phủ còn là di tích đánh dấu quá trình định cư và hội nhập của nhóm người Hoa Phúc Kiến.