Bấm để nghe audio thuyết minh
Địa chỉ | 678 Đ. Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5, Hồ Chí Minh |
Giờ mở cửa | 8h - 17h mỗi ngày |
Cấp Di tích | Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc Gia năm 1993 |
Giới thiệu tổng thể
Hội quán Nghĩa An hay còn là gọi Chùa Ông hay Miếu Quan Đế. Đây là hội quán của bang Triều Châu, do những người Triều Châu di dân sang Việt Nam thành lập tại địa chỉ số 678 đường nguyễn trãi, phường 11, quận 5, Thành Phố Hồ Chí Minh.
Hội quán đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993 theo Quyết định số 43 - VH/QĐ ngày 07 tháng 1 năm 1993 và được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận điểm du lịch theo Quyết định số 364/QĐ-SDL ngày 23 tháng 10 năm 2024. Hội quán đã được trùng tu và sửa chữa 5 lần vào các năm 1866, 1902, 1969, 1994 và lần đại trùng tu mới nhất là vào năm 2014. Mặt bằng Hội quán Nghĩa An là một tổng thể kiến trúc đồ sộ, lộng lẫy và nhiều màu sắc. Như phần lớn các đền miếu của người Hoa hình chữ “Quốc”, bố cục gồm: bình phong - hồ nước - sân - tiền điện - thiên tỉnh - trung điện - thiên tỉnh - nhà hương - chính điện, dọc hai bên các điện thờ Đông lang và Tây lang, hai khối nhà làm việc và sinh hoạt của người Triều Châu, người Hẹ.
Ngay vị trí trung tâm chính điện là gian thờ Quan Thánh Đế Quân - vị Thần được thờ cúng chính tại Hội quán Nghĩa An. Quan Công trở thành vị thần tối thượng trong cuộc sống tinh thần của người Hoa ở Nam Bộ.
Hàng năm, chùa Ông có hai lễ lớn nhất là Lễ Nguyên Tiêu vào ngày Rằm tháng Giêng và ngày Vía Ông tức ngày 24 tháng 6 âm lịch. Đây cũng là ngày lễ quan trọng nhất. Không chỉ bà con người Hoa mà còn rất đông bá tánh thập phương về chiêm bái. Các dòng người bắt đầu lễ từ đêm ngày 14. Mở đầu không khí lễ hội là biểu diễn múa lân - sư - rồng. Ngoài ý nghĩa là dấu tích của phố chợ Sài Gòn xưa, qua hai thế kỷ tồn tại, Hội quán Nghĩa An còn là nơi bảo tồn những truyền thống văn hoá, tín ngưỡng những hiện vật quý giá của cộng đồng người Triều Châu. Với các hình thức hoạt động xã hội, qua việc ủng hộ, tương trợ, quyên góp các quỹ học bổng dành cho học sinh hiếu học, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, xóa đói giảm nghèo, Hội quán Nghĩa An đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của Quận 5 nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.
Khái quát ngoại thất và nội thất
Từ cổng lớn vào đến cửa miếu, ngay hai bên trụ cửa chính là cặp thạch cổ (trống đá) Trên ngạch cửa và vách đá mặt tiền chạm một bài cổ phong và sáu bức chạm sáu cành trúc khác nhau. Ngoại thất hội quán Nghĩa An thiết kế tầng mái, các tượng gốm, phù điêu trên mái ngói, các bông hoa chạm ngược ở đầu bẩy hiên, tượng long mã, dây hoa ... trên các kèo, cột, sơn màu đỏ thắm dưới mái hiên. Mô típ mái theo hình “núi” uy nghi, mang tính biểu tượng “núi thần giữa biển” với “lầu cao chạm mây”. Mặt dựng của bờ nóc, bờ giải trang trí một dải phù điêu ốp mảnh gốm rực rỡ mô típ chim - hoa, cừu - tùng, lân, cá hóa rồng, tứ mã... Các góc mái gắn tượng Ông Nhật, Bà Nguyệt, tượng Thiên Bình Diềm mái ngói xanh. Bên trong hội quán trang trí cầu kỳ, hoành tráng với những bao lam khám thờ, bao lam điện thờ ... được chạm cả hai mặt một cách tinh tế từ những điển tích trong truyện Tam Quốc đến các hình ảnh sinh hoạt đời thường như gánh nước, đốn củi... và những long, lân, quy, phụng xen lẫn tôm, cua, cá, mực... Đặc biệt, các con vật được thờ trong miếu đều theo hình tượng Mẹ và Con như: Cạnh ngựa Xích Thố có con ngựa con, bên chân lân mẹ có lân con, cạnh hổ mẹ có hổ con, quấn quanh rồng mẹ là rồng con.
Tiền điện
& Trung điện
Đây là khu vực Chính giữa, tiền điện có một hương án, trên đặt chiếc lư hương bằng đồng làm vào năm Đạo Quang thứ 5 (1825). Chuông cao 39cm, đường kính 46cm, hai bên đúc hai đầu lân đường nét tinh xảo, phía trước có hàng chữ “Quan Thánh Đế Quân”. Hai bên tiền điện bài trí hai gian thờ hướng mặt vào chính điện. Phía Đông là bệ cao thờ Phúc Đức Chính Thần, phía Tây thờ tượng Ngựa Xích Thố (cao 2,5m) với dáng ngẩng cao đầu độc đáo. Tượng được đánh giá là đẹp hơn cả trong số tượng ngựa Xích Thố. Bên cạnh còn có tượng Mã Đầu Tướng Quân cao 2m, tay cầm dây cương ngựa Xích Thố. Trung điện ở khoảng giữa của hai sân thiên tỉnh. Tại đây bày một bàn thờ nhỏ thờ Quan Đế ngay phía trước bàn thờ Văn Xương Tinh Quân - người đứng đầu giáo dục khảo thí. Nối tiếp trung điện là nhà hương. Trên vách tường dọc hai bên điện thờ này đắp nổi phù điêu Thanh Long và phù điêu Bạch Hổ.
Chính điện
Gian giữa: thờ Quan Thánh Đế Quân. Khám thờ Quan Đế làm bằng gỗ cao hơn 3 mét được chạm viền nhiều lớp hình lưỡng long tranh châu, Bát Tiên giao chiến thủy quái, tùng hạc, mẫu đơn - trĩ... Tượng Quan Đế cao hơn 2 mét, có lẽ là tượng lớn nhất trong số các tượng Quan Đế hiện được thờ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đứng hầu hai bên trước bệ thờ là tượng Quan Bình Thái tử và Châu Xương Tướng quân cao gần 2 mét, đặt trong tủ kính. Bên trái có gian thờ Thiên hậu Nguyên Quân bằng gỗ cao 60cm, ngồi trên ghế chạm, theo hầu Bà có hai thị nữ và hai vị Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ. Bên phải có gian thờ Tài Bạch Tinh Quân (hay còn gọi là Thần Tài Thần tài được thể hiện bằng tượng gỗ, cao 60cm, cũng ngồi trên ghế chạm rồng, hai bên có Chiêu Tài Đồng Tử đứng hầu.