Đình Minh Hương Gia Thạnh

Bấm để nghe audio thuyết minh

Được xây dựng vào năm 1789. Là một trong những ngôi đình xưa nhất ở TPHCM Lễ tế quan trọng nhất của Đình là lễ Kỳ Yên được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch hằng năm.

Thông tin cơ bản

Địa chỉ 380 Trần Hưng Đạo, Phường 11, Quận 5, Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa 08:00 – 12:00h mỗi ngày
Cấp Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1993

Giới thiệu di tích

Đình Minh Hương Gia Thạnh tọa lạc số 380 Trần Hưng Đạo, Phường 11, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993 theo Quyết định số 43 – VH/QĐ ngày 07 tháng 1 năm 1993.

Năm 1679, hai cựu quan nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên không thần phục nhà Thanh, đem quân sang thần phục chúa Nguyễn. Được chấp thuận, họ đến lập nghiệp tại Mỹ Tho và Đồng Nai.

Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lập phủ Gia Định, huyện Phước Long và huyện Tân Bình. Người Hoa tại Trấn Biên lập xã Thanh Hà, người Hoa tại Phiên Trấn lập xã Minh Hương, tạo nên một khu chợ sầm uất – tiền thân chợ Sài Gòn.

Theo “Khoán ước và tiểu sử các vị tiền bối” năm 1951, đình Minh Hương được xây dựng năm 1797, ban đầu là nhà việc của xã Minh Hương. Năm 1805, vua Gia Long ban tên “Gia Thạnh Đường”, từ đó đình còn gọi là Hội quán Minh Hương Gia Thạnh, là trụ sở của hội Minh Hương Gia Thạnh.

Đình đã trải qua 4 lần trùng tu vào các năm 1873, 1839, 1901. Lần trùng tu năm 1962, đình được xây thêm tầng lầu trên chính điện.

Đình Minh Hương được xây dựng theo kiểu nhà năm gian, tường gạch, ngói ống, diềm mái là ngói thanh lưu ly. Trên bờ nóc mái trang trí phù điêu lưỡng long tranh châu và các tiểu tượng do lò gốm Đồng Hòa ở Cây Mai thực hiện vào năm Tân Sửu 1901. Bộ khung gỗ kết cấu kiểu kẻ chuyền, riêng truy từ có kiểu kiến trúc nhà rường, ba gian hai chái. Các cột đều bằng gỗ quý có đường kính gần 60cm, có cột cao khoảng 7m được kê trên các chân tảng bằng đá.

Mặt bằng kiến trúc đình bao gồm sân trước, tiền điện, chính điện và hậu điện (được gọi là truy từ). Bên phải có miếu Ngũ Hành. Giữa tiền điện và chính điện, giữa chính điện và truy từ đều có sân thiên tỉnh.

Ngoài ra ở tiền điện còn có 5 cặp liễn đối được làm vào các năm 1885, 1897, 1903, 1908. Hầu hết các liễn đối này có hai chữ đầu hai vế đối ghép lại là “MINH HƯƠNG”.

Chính điện đình được tôn cao trong dịp trùng tu năm 1962, phía trước trang trí 03 bao lam chạm lộng đề tài tùng – hạc, mai điểu, liên – áp (sen – vịt), giỏ cua, giỏ trái cây… và bày biện nhiều hiện vật giá trị. Cuối chính điện có ba bàn thờ bằng xi măng, lát gạch men, trên có ba khám thờ đặt suốt chiều ngang chính điện. Các khám thờ đều được chạm trổ mấy lớp bao lam, trán chạm lưỡng long tranh châu, sơn son thếp vàng.

Khám ở giữa to nhất, thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng và các vị: Ngũ Thổ Tôn Thần, Ngũ Cốc Tôn Thần và Đông Trù Tư Mệnh.

Phía trước khám thờ này đặt tượng Trần Thượng Xuyên và tượng Trịnh Hoài Đức, giữa hai tượng có một đỉnh trầm, tất cả được tạc bằng đá quý.

Hai bàn thờ hai bên cũng bài trí tương tự nhưng khám thờ nhỏ hơn và bài trí đơn giản hơn.

Góc trái chính điện có một chuông đồng đúc năm 1823, trên thân chuông đúc hai hàng chữ “Gia Định thành Minh Hương xã công tạo”, “Long tập Quý Mùi thu nguyệt” (chuông do xã Minh Hương làm vào mùa thu năm Quý Mùi)

Sau chính điện là sân thiên tỉnh rồi đến truy từ. Các công trình kiến trúc này nối liền nhau nhờ hai cầu nối. Ở truy từ có ba khám thờ lớn.

Khám thờ chính giữa thờ “Tiền khai sáng” tức những người sáng lập ra làng, ra hội Minh Hương.

Chính giữa miếu có khám thờ Ngũ Hành Nương Nương là năm vị nữ thần tượng trưng Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tức năm chất cấu thành vũ trụ. Tuy nhiên tượng thờ là tượng Chúa Sinh Nương Nương cùng hai người hầu và 12 tượng Bà Mụ bổng đứa trẻ trên tay.

Bên trái là khám thờ Phúc Ðức Chính Thần và bên phải là khám thờ Bạch Mã Thái Giám.

Góc trái miếu có một chuông đồng đúc năm Tự Đúc thứ 2 (1849).

Đình Minh Hương là một trong những ngôi đình xưa nhất Thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu sự hòa nhập của người Hoa vào văn hóa Việt Nam. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng Minh Hương, mang giá trị kiến trúc, thư pháp và điêu khắc gỗ đặc sắc thế kỷ XIX.

Trong một năm âm lịch, lễ tế quan trọng nhất là lễ Kỳ Yên được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng.

Lên đầu trang